Không có sản phẩm nào.
Top 10 trò chơi đóng vai theo chủ đề cho trẻ mầm non thú vị nhất
Ở lứa tuổi mẫu giáo, hoạt động chơi đóng vai trò chủ đạo, chơi chính là cuộc sống của trẻ. Thông qua trò chơi, trẻ được lĩnh hội và rèn luyện những kĩ năng sống một cách tự nhiên và đầy hứng thú, nhờ vậy hiệu quả giáo dục sẽ cao hơn các hình thức khác. Trong tất cả các loại trò chơi của trẻ ở trường mầm non thì trò chơi đóng vai theo chủ đề giữ vị trí trung tâm trong hoạt động chơi của trẻ vì trò chơi này mô phỏng lại một mảng nào đó sinh hoạt của người lớn. Vậy bạn đã có ý tưởng về các trò chơi đóng vai theo chủ đề cho trẻ mầm non thú vị nhất chưa? Nếu chưa hãy cùng Toplist khám phá thông qua bài viết sau nhé!
Trò chơi đóng vai bác sĩ (Chủ đề nghề nghiệp)
Một bé sẽ đóng vai làm bệnh nhân còn các bé còn lại sẽ đóng vai bác sỹ, y tá. Bác sĩ khám bệnh cho bệnh nhân, y tá phụ giúp và làm theo chỉ dẫn của bác sĩ, bệnh nhân phục tùng ý kiến của bác sĩ và y tá. Thông qua trò chơi này, trẻ có thể đạt được ý thức làm chủ tình huống vượt qua cả tầm kiểm soát của chúng. Một buổi gặp gỡ bác sĩ, một bệnh nhân hay thăm một bệnh viện sẽ dễ hiểu hơn và khá tốt cho trẻ nếu cô giáo muốn giúp trẻ giải thích những điều chưa biết vì tất cả đã được tái hiện trong khi chơi.
Muốn trẻ hứng thú và có kĩ năng trong khi chơi, cô giáo hãy hướng dẫn trẻ một cách tỉ mỉ và cụ thể: lời nói, cử chỉ, cách sử dụng dụng cụ để trẻ hiểu được “bé đóng vai bác sĩ thì phải chơi như thế nào”. Chẳng hạn, trước khi đến phòng khám của bác sĩ, cô giáo hãy cho trẻ biết chính xác những gì sẽ diễn ra. Đề cập đến những vấn đề có liên quan như “con có thể sẽ phải ngồi chờ một lúc trong phòng đợi”, “con có thể sẽ phải cởi quần áo ra”, “Cô y tá sẽ muốn đặt nhiệt kế vào miệng con”, “mọi người sẽ mặc những chiếc áo khoác trắng”,... để trẻ biết được những gì chúng sẽ gặp phải khi đến bệnh viện và cảm thấy tin tưởng vào những người chăm sóc chúng.
Thường thì trẻ được chơi nhóm bác sĩ thông qua hoạt động góc. Ở đây, trẻ được hòa mình, nhập vai để được làm bác sĩ, đồng thời còn giúp trẻ phát triển ngôn ngữ khi giao tiếp với bạn bè.
Trò bán hàng (hay còn gọi là chơi đồ hàng) (Chủ đề nghề nghiệp)
Trò chơi này để các bé hiểu hơn về công việc buôn bán cũng như hiểu được giá trị của những thứ mình có xung quanh.
Chuẩn bị: Một số đồ chơi mô phỏng bánh, kẹo, rau, củ, quả, tôm, cá…(nếu có điều kiện cô có thẻ chuẩn bị rau, quả thật như: rau ngót, rau muống, củ cải, quả mận, quả quýt…).
Cách chơi:
Yêu cầu nhóm trẻ đóng vai người bán hàng sắp xếp thực phẩm theo từng loại.
Các nhóm trẻ đóng vai người mua thực phẩm phải đưa ra yêu cầu. Ví dụ: “Bác ơi bán cho tôi mớ rau ngót; Bác bán cho tôi quả mận…”. “Người mua” trả tiền và nói cảm ơn. “Người mua” và “người bán” chào tạm biệt nhau.
Trò chơi “gia đình” (chủ đề gia đình)
Trò chơi gia đình rất quan trọng với sự phát triển về ngôn ngữ, tình cảm và giao tiếp của trẻ. Trẻ từ sau 1,5 tuổi đã bắt đầu biết “giả vờ”, trước hết là "giả vờ" bản thân, ví dụ như: cầm cái cốc đưa lên môi giả vờ uống nước, ở giai đoạn này, nội dung trò chơi và đạo cụ đều xuất phát từ sinh hoạt hàng ngày của trẻ; bắt đầu dùng cái cốc cho chó bông uống nước. Sau 2 tuổi, trí tưởng tượng của trẻ tiếp tục phát triển. Tuổi lớn thêm trí lực nâng cao thêm, các tình huống của trò chơi gia đình cũng dần dần phức tạp hơn. Ví dụ trò chơi Gia đình của bé:
Cô cho trẻ đóng vai là bố, mẹ, con... Bố, mẹ thương yêu con, chăm sóc con, lo lắng khi con ốm đau. Con ngoan biết nghe lời bố mẹ, lễ phép, kính trọng bố mẹ...
Với trò chơi này, cô giáo có thể tạo tình huống mới để trò chơi phát triển.Với vài ngày đầu trẻ vào góc cô cho trẻ đóng các vai bố, mẹ và các con nấu các món ăn trong gia đình. Sang đến vài ngày sau cô chuyển chủ đề rộng hơn có Ông Bà đến chơi gia đình và cả gia đình đi mua sắm đồ dùng trong siêu thị hay cùng nấu món ăn tổ chức sinh nhật cho con gái. Vài ngày sau tiếp cô lại tạo tình huống cả nhà đi tham quan công trình xây dựng hoặc cho trẻ đi thăm công viên. Với ví dụ miêu tả đơn giản như trên để thực hiện tốt cô giáo cần cung cấp cho trẻ những kỹ năng cùng biết tổ chức trò chơi với cô và cô cùng tham gia vào buổi chơi với trẻ để khuấy động nội dung chơi giúp trẻ phấn khởi khi chơi bởi trò chơi không phải lặp lại.